Điện mặt trời, điện gió thu hút đầu tư tư nhân
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW. Trong đó, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất toàn hệ thống, chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư.
Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng năng lượng tái tạo đạt 29,87 tỷ kWh, chiếm 13,2% sản lượng điện toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 22,65 tỷ kWh, điện gió đạt 6,91 tỷ kWh).
Đây là mức rất cao so với các nước trong khu vực cũng như thế giới (trung bình là 10%), cao hơn Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Đó là nhờ cú hích từ giá điện mặt trời, điện gió được ưu đãi từ 2017-2021. Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (tương đương hơn 2.200 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay). Theo đó, các dự án vận hành thương mại trước 1/7/2019 mới được hưởng mức giá này, thời gian 20 năm kể từ ngày được công nhận vận hành thương mại.
Đây được xem là mức giá khá hấp dẫn, góp phần thu hút hàng tỷ USD của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Tính đến 1/1/2021 – thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời – tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó, nguồn điện mặt trời mặt đất đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW và gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành.
Các nhà đầu tư điện mặt trời trong giai đoạn này đã tính toán được mức lợi nhuận tương đối tốt khi đầu tư.
Theo tiết lộ của một nhà đầu tư, suất đầu tư điện mặt trời thời điểm 2018 vào khoảng 18-20 tỷ/MW. Như vậy, một dự án 50MW sẽ có mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Trung bình các dự án từ Khánh Hòa trở vào, nếu giá điện là hơn 2.000 đồng/kWh, doanh thu từ bán điện một tháng đạt khoảng 12,5 tỷ đồng. Trong một năm, số tiền thu về khoảng 150 tỷ đồng.
Tính theo suất đầu tư kể trên, một dự án sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 7 năm trong điều kiện được phát hết công suất. 13 năm còn lại được coi là phần lợi nhuận thu được. Thông thường, các nhà đầu tư vay phần lớn vốn ngân hàng, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm phần nhỏ nên đây có thể coi là mức sinh lời hấp dẫn.
Thế nhưng, đó chỉ là con số lý tưởng. Việc phải chịu cắt giảm công suất đã khiến số lợi thu về giảm đi đáng kể so với tính toán kể trên.
Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.680 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 22/5/2020. Mức giá này vẫn thu hút được lượng lớn nhà đầu tư do chi phí đầu tư điện mặt trời khi đó đã giảm so với giai đoạn trước vì Trung Quốc bán sang với giá rẻ.
Đó cũng là lý do khiến nhiều dự án điện mặt trời ngay sau khi hoàn thành đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Bởi căn cứ theo phương án tài chính thì việc mua lại các dự án này đảm bảo cho các nhà đầu tư có được khoản lợi nhuận ổn định trong thời gian gần 20 năm còn lại. Rủi ro đầu tư gần như là rất thấp.
Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay.
Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió đã đạt 4.126 MW.
Chưa có giá mới, nhà đầu tư vẫn ngóng được đầu tư vào điện tái tạo
Nhìn vào những số liệu trên, có thể thấy, từ 2017 đến nay, điện mặt trời và điện gió đã trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Sản lượng điện tái tạo chiếm 13,2%, đã đóng góp đáng kể cho hệ thống điện, nhất là khi đây lại là nguồn lực thu hút được từ khu vực tư nhân, giúp EVN bớt đi gánh nặng tài chính cho đầu tư nguồn điện. Đặc biệt, năm 2022, giá điện than tăng cao hơn giá của điện gió, mặt trời.
Sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hạn vào 2020 và 2021, đến nay, cơ chế mới cho lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, quy hoạch điện VIII cũng chưa được phê duyệt. Nhưng các nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ và liên tục tìm các địa điểm mới để chuẩn bị đầu tư khi có chính sách mới.
Trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, điện tái tạo – vốn được coi là điện sạch – tiếp tục được ưu tiên.
Bộ Công Thương khẳng định những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện.
Tại dự thảo quy hoạch điện VIII ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mái nhà… với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi.
Tại tờ trình ngày 23/9/2022 dự kiến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ lên đến 16.281MW, điện gió ngoài khơi là 7.000MW. Đến tờ trình ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương dự kiến điện gió trên bờ tăng thêm 4.659MW.
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, tỷ lệ công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo cũng tăng từ 21,6% năm 2030 lên đến 54,4% năm 2050. Tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn này tăng từ 14,5% năm 2030 lên 49% năm 2050.
Điều đó cho thấy, dư địa để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn rất lớn. Việc chấm dứt áp dụng giá FIT, chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ giúp cho các nguồn điện gió, mặt trời có giá cạnh tranh hơn.
Theo Vietnamnet
Xem thêm
Chi phí điện năng lượng mặt trời
Vì sao điện năng lượng mặt trời đang là xu hướng hiện nay
Đơn vị lắp đặt điện năng lượng mặt trời uy tín
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Tổng đài: 02862778806 (7:30 – 17:30)
Hotline: 0325 170 310
Website: GreenBlue.vn
Fanpage: GreenBlue Energy
Trụ sở: Tầng 6, Tòa nhà Mê Linh Point Tower, số 2 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1.
Văn phòng: 66 Lê Duẩn, Xã Phong Nẫm. TP. Phan Thiết, Bình Thuận
Showroom: 207 Tôn Đức Thắng, TP. Phan Thiết, Bình Thuận
Bài Viết Liên quan
Lắp điện mặt trời tại Hà Nội
Điện năng lượng mặt trời đang được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp quan tâm...
Th8
Có nên lắp đặt điện mặt trời ở Hà Nội?
Bạn đang phân vân có nên lắp đặt điện mặt trời ở Hà Nội? Bạn...
Th8
Lắp điện mặt trời sẽ là xu hướng trong năm 2023
Trong khi các đại dịch Covid 19 toàn cầu đã tàn phá nhiều ngành trong...
Th4
Có nên lắp điện năng lượng mặt trời cho hộ gia đình?
Có nên lắp điện năng lượng mặt trời cho hộ gia đình? Hệ thống có...
Th4
Chi phí Lắp điện mặt trời cho nhà xưởng và thời gian hoàn vốn 2023
Xu hướng lắp điện mặt trời cho nhà xưởng ngày càng nhiều, nhất là khi...
Th3
Turbine điện gió trục dọc 1,5 MW
Công ty Agile Wind Power của Thụy Sĩ đang sản xuất turbine gió trục dọc...
Th2
Lắp điện gió hộ gia đình năm 2023
Hiện nay, ngoài những trụ điện gió lớn trên 1 MW đặt tại khắp các...
Th2
Giá tấm pin năng lượng mặt trời năm 2023 bao nhiêu?
Thông tin cơ bản của các tấm pin. Tấm pin năng lượng mặt trời, pin...
Th1